20 tháng 12, 2016

Đạo Đức Kinh

Lời giới thiệu

Lâm Ngữ Đường trong The Book of Tao mô tả về cuốn Đạo Đức Kinh như sau:

Nếu có một cuốn sách đáng đọc nhất trong toàn bộ nền văn học đông phương – theo ý tôi – thì đó là cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nó là một trong những cuốn sách sâu sắc nhất của triết học thế giới… sâu sắc và rõ ràng, huyền diệu và thực tế.

Nhà văn hào pháp René Bertrand cũng hết lời ca tụng Lão Tử rằng:

Ông chỉ viết có một cuốn sách rất ngắn gọn là Đạo Đức Kinh. Những dòng chữ trong cuốn sách đó chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên quả đất này.

Người Trung Hoa còn dựng ra cả một cõi trời để tôn vinh tác giả của Đạo Đức Kinh và phong ông làm Thái Thượng Lão Quân để làm giáo chủ thiên giới đó.

Tại sao một quyển sách chứa hơn 5000 chữ lại khiến cả đông cũng như tây hết lòng ca tụng như vậy và Lão Tử là ai mà lại có thể thành tựu được công đức to lớn như vậy chỉ dựa vào một cuốn sách nhỏ bé.

Đầu tiên xin mạn phép bàn về quyến kinh độc đáo này. Theo truyền thuyết thì vào năm 600 TCN Lão Tử bỏ việc đời đi ở ẩn. Đi ngang qua Hàm Cốc ông gặp Doãn Hỷ đang làm quan trấn giữ ải này. Do khâm phục đạo hạnh của Lão Tử nên Doãn Hỷ năn nỉ mời ông ở lại, nói: “Nếu ngài quyết đi ẩn cư xin vì tôi để lại một bộ sách”. Thể theo yêu cầu, Lão Tử đã ở lại Hàm Cốc để trước tác bộ Đạo Đức Kinh (ĐĐK) và nhắn nhủ Doãn Hỷ cứ theo kinh sách mà tu luyện thì sẽ đắc đạo.

Về cấu trúc, ĐĐK gồm cả thảy 81 chương với hơn 5000 chữ chia thành 2 thiên.

· Thiên đầu: gồm 37 chương khởi đầu bằng câu: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Thiên này bàn về Đạo nên thường gọi là Đạo Kinh

· Thiên sau gồm 44 chương khởi đầu bằng câu: “Thượng đức bất đức thị dĩ hữu đức”. Thiện này luận bàn về Đức nên thường gọi là Đức Kinh

Riêng tác giả của bộ kinh trên là Lão Tử. Ông có ảnh hưởng to lớn trong nền triết học Trung Hoa và được công nhận là khai tổ của Đạo Giáo. Tuy nhiên cuộc đời của Lão Tử được biết rất ít và hầu như ngập tràn trong huyền thoại.

Nơi sinh của ông thường được cho là huyện Khổ nước Sở nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam. Thời gian ông ra đời hiện đang nằm trong vòng tranh cãi. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỷ 4 TCN vào thời Chiến quốc đồng thời với nhóm Bách gia chư tử. Tuy nhiên, theo truyền thuyết ông sống ở thế kỷ thứ 6 TCN đồng thời với Khổng Tử nhưng sinh trước không Tử.

Tư Mã Thiên trong cuốn Sử Ký nổi tiếng của ông cho biết Lão Tử là người cùng thời với Khổng Tử nhưng lớn tuổi hơn, làm quan quản thủ thư viện cho nhà Chu. Ông có tả lại cuộc gặp gỡ lý thú giửa hai tay đại triết gia này như sau theo lời dịch của Nguyễn Duy Cần:

Khổng Tử đến Châu, hỏi Lễ. Lão Tử nói: “Lời nói của ông là lời nói của những kẻ xương tàn cốt rụi. Vả, người quân tử đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì tay vòn nón lá mà đi chân. Ta nghe rằng, kẻ buôn giỏi khéo giữ của quí như không có gì, người quân tử đức thạnh, dung mạo dường như kẻ ngu. Họ khác với cái kiêu khí và đa dục của ông, sắc thái và dâm chi ấy không ích gì cho thân ông cả. Tôi sở dĩ bảo chô ông biết có bấy nhiêu thôi.” Khổng Tử về bảo đệ tử: “Chim, ta biết nó bay thế nào; cá, ta biết nó lội làm sao; thú ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy thì ta có lưới bắt nó; cá lội thì ta có dây câu ví nó; chim bay thì ta có bẫy gài nó. Chí như con rồng, thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay lượn như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng!”

Không có nhận xét nào: