3 tháng 12, 2016

Niên biểu Nguyễn Du

Các sự kiện quan trọng

Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 (nhằm ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu Âm lịch) tại phường Bích Câu, Thăng Long – nay là Hà Nội, dưới triều Lê Cảnh Hưng; quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Năm 1767, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận Công.

Năm 1771, Nguyễn Nghiễm trí sĩ, được thăng Đại tư đồ, sau được mời giữ chức quan Tham tụng, rồi đổi làm Thượng thư bộ Hộ. Nguyễn Du cùng gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm chuyển về ở làng Tiên Điền.
Anh em nhà Tây Sơn khởi binh tại ấp Tây Sơn – nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Năm 1774, Nguyễn Nghiễm sung chức Tả tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đoàn Nguyễn Thục giữ chức Đốc trấn Nghệ An.

Năm 1775, anh trai cùng mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Thục (1757-1775) qua đời. Đoàn Nguyễn Thục qua đời.

Năm 1776, Nguyễn Nghiễm qua đời tại quê nhà. Được truy tặng tước Huân Dụ Đô hiến đại vương, Thượng đẳng phúc thần. Tây sơn hạ thành Gia định.

Năm 1778, bà Trần Thị Tần mẹ Ngyễn Du qua đời. Lúc đó Nguyễn Du được 13 tuổi. Anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều - sinh năm 1745 – được thăng Trấn Thủ Hưng Hoá. Nguyễn Du ra Thăng Long ở với anh cả là Nguyễn Khản. Nguyễn Nhạc lên ngôi vua tại Qui Nhơn.

Năm 1780, anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản (1734-1786) đang làm trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong vụ án Canh Tý, bị bãi chức, giam ờ nhà Châu Quận Công. Nguyễn Du trở về làng Tiên Điền ở với người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành. Sau đó lại được Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?) đón về quê ở Sơn Nam Hạ tiếp tục học tập.

Năm 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi Chúa. Nguyễn Khản được vời làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản Quận Công. Nguyễn Điều làm trấn thủ Sơn Tây. Cũng trong năm này do nạn kiêu binh dinh thự Nguyễn Khản tại phường Bích Câu bị đốt cháy hoàn toàn.

Năm 1783, Nguyễn Du, 18 tuổi, thi hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam trường. Tuy nhiên ông không tiếp tục thi lên nữa, mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyễn, kế chân người cha nuôi của ông vừa mới từ trần. Anh cùng mẹ là Nguyễn Đề (1761-1805) đỗ đầu kỳ thi hương ở điện Phụng Thiên – cử nhân. Nguyễn Khản thăng chức Thiếu bảo, và cuối năm thăng Tham tụng.

Năm 1784, kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh Nguyễn Khản ở phường Bich Câu bị phá, phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều (1745-?) đang làm trấn thủ Sơn Tây. Nguyễn Huệ đánh tan 2 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút.

Năm 1785, Nguyễn Huệ chiếm thành Phú Xuân thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Bắc Hà, Lê-Trịnh.

Năm 1786, Nguyễn Khản xin cho Nguyễn Du làm chức Chánh Phủ Hiệu Úy tỉnh Thái Nguyên. Nguyễn Du sau đó cưới bà Đoàn Thị Huệ con gái Đoàn Nguyễn Thục, đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thân (1752) đang giữ chức Ngự Sử tại triều. Người xã An Hải, huyện Quỳnh Côi, Trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình).

Cũng trong năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh Trịnh vói chiêu bài "diệt Trịnh, phò Lê". Trịnh Tông bị bắt và tự tử, kết thúc 216 năm vua Lê chúa Trịnh (1570-1786). Nguyễn Khản bị bệnh mất ở Thăng Long. Vua Lê Hiển Tông mất. Lê Chiêu Thống nối ngôi.

Năm 1787, Vũ Văn Nhậm theo lệnh Nguyễn Huệ ra bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.

Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc diệt Vũ văn Nhậm. Nhà Lê mất nghiệp, Lê Chiêu Thống lưu vong sang Tầu cầu viện nhà Thanh. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân – nay là Huế, đổi niên hiệu là Quang Trung. Nguyễn Ánh tái chiếm thành Gia Định

Năm 1789, Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân nhà Thanh, Vua Lê Chiêu Thống trốn sang Tầu cầu cứu. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức thị lang bộ Lại. Nguyễn Du về ẩn cư tại quê vợ tại Quỳnh côi, trấn Sơn Nam – nay thuộc tỉnh Thái Bình – cho đến 1795.

Năm 1791, Nguyễn Quýnh, con thứ tư của Nguyễn Nghiễm, nổi lên chống Tây Sơn bị bắt và bị giết. Quân Tây Sơn phá sạch dinh cơ họ Nguyễn.

Năm 1792, vua Quang Trung băng hà.

Năm 1793, Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền, cuối năm vào kinh đô thăm anh là Nguyễn Đề đang làm Thái sử ở Viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.

Năm 1794, Nguyễn Đề được phong Tả phụng nghi bộ Binh và vào giữ chức Hiệp tán nhung vụ

Năm 1795, vợ Nguyễn Du qua đời tại Quỳnh Côi. Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh; xướng hoạ thơ cùng các sứ thần Triều Tiên.

Năm 1796, Nguyễn Du bị chính quyền Tây Sơn bắt giam vì bị tình nghi cộng tác với chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhờ Thận quân công là bạn của Nguyễn Đề, anh của Nguyễn Du, lại ngưỡng mộ văn tài của Nguyễn Du, nên chỉ giam ba tháng rồi tha. Nguyễn Đề đi sứ nhà Thanh trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh.

Từ 1797 đến năm 1804: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền.

Năm 1801, Nguyễn Ánh hạ Thành Huế, qua năm sau 1802 hạ thành Thăng Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Gia long, xuống chiếu mời các cựu thần Nhà Lê trở lại làm quan, đổi tên nước thành Việt Nam.

Năm 1802, Nguyễn Du ra làm Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, Trấn Sơn Nam – nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Mấy tháng sau, thăng Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng – nay thuộc tỉnh Hà Tây.

Năm 1804, nhà Thanh công nhận nước Việt Nam. Nguyễn Du được cử đón sứ thần sang tấn phong vua Gia Long.

Năm 1805, Nguyễn Du bắt đầu vào Huế làm quan với nhà Nguyễn và được thăng Đông Các điện học sĩ, tước Du Đức Hầu.

Năm 1807, Nguyễn Du được cử làm giám khảo kỳ thi Hương tại Hải Dương.

Năm 1808, Nguyễn Du xin về quê nghỉ.

Năm 1809, Nguyễn Du được bổ làm Cai bạ - hàm Tứ phẩm – tại Quảng Bình.

Năm 1813, thăng Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc.

Năm 1814, Đi sứ về được thăng Hữu tham tri bộ Lễ - hàm Tam phẩm.

Năm 1816, anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh (1759-1828) vì liên quan đến vụ án cha con Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nên bì đày vào Quảng Nam.

Năm 1820: Vua Gia Long băng hà, Vua Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử sang Trung Quốc lần thứ hai, nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820 (10 tháng 8 Canh Thìn), hưởng thọ 55 tuổi. An táng tại làng An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1824, được con là Nguyễn Ngũ cải táng tại Tiên Điền.

Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."

Năm 1965, Hội đồng Văn Hóa Thế giới – nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông - vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hoá và Nhà thơ Nhân loại.

(Viết theo tài liệu của La Sơn Nguyễn Hữu Sơn)

Không có nhận xét nào: