-Giáo Sư VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.
(Bài viết “Đường Vào Phật Học” do Giáo Sư VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền biên soạn theo tài liệu thuyết giảng của Cố Đại Lão Thiền Sư THIỆN TÂM, Nguyên Trụ Trì tại Pháp Hoa Thiền Tự, Sài Gòn, trước 04/1975. Ngài hưởng thọ một trăm lẻ tám (108) tuổi, sinh năm 1900, nhập diệt ngày 03/11/2008, tại Cần Thơ, Việt Nam).
Chữ Phật do tiếng Phạn (Sanskrit) của Ấn Độ là Bouddha “Phật Đà”. Người Trung Quốc dịch nghỉa là Giác Giả (người đã giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn). Do đó, chữ Phật là một danh từ chung để chỉ những bậc tu hành đã giác ngộ (Giác ngộ có ba bậc: Tự giác, Giác tha, và Giác hạnh viên mãn).
Dựa vào kho tàng kinh điển phật học, được gọi là tam tạng (Kinh, Luật, và Luận), các học giả Đông Tây nhận định rằng: Giáo lý của Phật Thích Ca không chỉ là một tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là môn triết học hàm súc vấn đề thực nghiệm về nhân sinh và vũ trụ.
Trong thực tế, triết học Phật giáo nhằm để cải thiện con người. Cho nên, cả hai lý thuyết và thực hành về Phật giáo phải được đi đôi trong cuốc sống hiện hữu của con người. Nguyên lý Phật giáo là một phương tiện giúp con người tiến lên con đường giải thoát, bằng cách diệt khổ, diệt dục, để có một nhân tâm thanh tịnh hoàn toàn, trong tinh thần “Chuyển Mê Khải Ngộ” như Đức Phất đã dạy: “Muốn tránh đau khổ trong cuộc đời, người ta phải diệt dục”. Dục có nghĩa là thèm khác, ham muốn, đam mê. Dục chính là cái nhân của sự đau khổ.
Về phương diện truyền bá, nhờ vào tinh thần linh động và khai phóng của bất định pháp, Phật học dễ dàng thích nghi với mọi căn cơ, trình độ trí thức, trong quảng đại quần chúng. Ở điểm này, Phật học giống như hạt kim cương, lóng lánh, phản ảnh muôn màu, xanh đỏ, tím vàng, . . ., qua nhiều góc cạnh khác nhau.
Theo Ngài Long Thọ Bồ Tát (Nagarijuna) có nói: “Trong Phật giáo, có hai chơn lý: -Chơn lý Thực Nghiệm (Tục Đế) là giáo lý để áp dụng cho hạng người trí tuệ thấp kém. –Chơn lý thứ hai là Siêu Đẳng Tuyệt Đối (Chơn Đế) để áp dụng cho hạng người thượng căn trí thức. Những ai nghiên cứu Phật giáo mà không phân biệt được hai chơn lý này, tức là không thể thấu triệt chu đáo triết lý huyền diệu của Đức Phật”.
Để tránh sai đường lạc lối trên bước khởi đầu tiến vào thiền môn phật học, chúng tôi xin trình bày những yếu tố căn bản trong năm (5) tiết mục như sau: 1-Lược Sử Phật Tổ Thích Ca. 2-Ngũ Thời Thuyết Pháp Của Phật. 3-Tứ Kỳ Đại Hội Kết Tập Phật Học. 4-Các Danh Từ Nam Tông và Bắc Tông, Tiểu Thừa và Đại Thừa. 5-Những Điểm Tương Đồng và Dị Biệt giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa:
1-Lược Sử Phật Tổ Thích Ca:
Vào khoảng thế kỷ thứ sáu (6th) trước Tây Lịch, dân chúng Ấn Độ sống trong cảnh xã hội đầy bất công, với nhiều giai cấp khác biệt, tựu trung gồm có bốn (4) giai cấp chính yếu sau đây:
1.1-Giai Cấp Bà La Môn/Brahman: Các giáo sĩ Bà La Môn/Brahman
có quyền ưu tiên, và được tôn kính nhất trong quần chúng.
1.2-Giai Cấp Sát Đế Ly/Kastrya: Các vị vua chúa, và giới quí tộc nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.
1.3-Giai Cấp Phệ Xá/Vaisya: Những điền chủ, và thương gia có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế và nông nghiệp trong nước.
1.4-Giai Cấp Thủ Đà La/Sudra: Là hạng người hạ lưu, nô lệ, suốt đời làm nô lệ cho ba giai cấp trên.
Ngoài bốn giai cấp nêu trên, còn có hạng người hạ tiện nhất được gọi là Paris, họ bị xem như giống mọi rợ, đời sống rất cơ cực, tối tăm, ngoài lề xã hội loài người.
Trong một xã hội Ấn Độ bất công như thế, Đức Phật Thích Ca ra đời vào ngày rằm (15th) tháng tư Âm lịch, năm 624 trước Tây lịch, tại vườn hoa Lâm Tì Ni / Lumbini, xứ Ca Tỳ La Vệ / Kapilavastu, phía Bắc Ấn Độ. Đức Phật tên thật là Tất Đạt Đa / Siddhartha, họ Cù Đàm / Gautama. Cha là Tịnh Phạn Vương / Suddhodana, vua của xứ Ca Tỳ La Vệ / Kapilavastu, vị trí nằm ở phía Nam sông Hằng Hà / Gange, và dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (bây giờ là nước Nepal). Mẹ là Hoàng Hậu Maya Sakya, con gái vua A Nậu Thích Ca / Anu Sakya, xứ Câu Ly / Koly.
Thuở thiếu thời, Thái Tử Tất Đạt Da / Siddhartha có tư chất thông minh, tài giỏi, tính tình trầm lặng, thích sống nội tâm, thường chọn nơi thanh vắng.
Năm mười sáu (16) tuổi, Thái Tử kết hôn với nàng Yasadhara, vợ chồng sống rất hạnh phúc, trong cung điện cực kỳ sang trọng. Đến năm mười chin (19) tuổi, vợ nhà hạ sinh đứa con trai duy nhất La Hầu La / Rahula. Sau đó, vì nhận thấy xã hội đầy bất công, nhân sinh thống khổ, thế sự vô thường, nên Thái Tử cương quyết bỏ nhà ra đi cầu đạo, tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người.
Sau sáu (6) năm lang thang tu khổ hạnh, cầu đạo với các thầy thuộc giáo phái truyền thống Ấn Độ, tại thung lũng sông Hằng Hà / Gange, cũng như trong các núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn, vì nhận thấy không có kết quả, ngài rời bỏ việc tu khổ hạnh, rồi bồi dưỡng thân thể được khỏe mạnh. Sau đó, ngài đi qua núi Koda, tự tìm chân lý. Với ý chí cương quyết, ngài ngồi tham thiền nhập định, dưới gốc cây Bồ Đề và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo, dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”.
Sau bốn mươi chin (49) ngày thiền định, ngài đại ngộ, thấu hiểu chân tướng về nhân sinh, vũ trụ và đắc đạo Bồ Đề, lúc bấy giờ ngài mới ba mươi (30) tuổi.
Sau khi đắc đạo, lần đầu tiên, tại thành Cấp Cô Độc Viện (gần thành Benares ngày nay), ngài hóa độ cho năm (5) vị đồng tu khổ hạnh (nhóm Kiều Trần Như), họ là những bạn cũ đồng hành trên đường tìm đạo.
Trong suốt bốn mươi chin (49) năm truyền đạo, Đức Phật chu du khắp nước Ấn Độ để thuyết giảng đạo pháp diệt khổ, giải thoát, cứu độ chúng sinh, trong mọi tầng lớp dân chúng, không phân biệt giai cấp xã hội sang hèn, nam nữ, già trẻ, . . .
Đến năm tám mươi (80) tuổi, Phật nhập diệt (qua đời) vào chốn niết bàn, tại thành Câu Thị Na / Kusinara, trong cánh rừng Song Thọ / TaLa, nhằm ngày rằm (15th) tháng hai (2) Âm lịch, năm 544 trước Tây lịch. Trong cuộc đời của Phật, chúng ta nhận thấy Phật là bậc Đại Hùng, Đại Lực, và Đại Bi :
-Đại Hùng : Trong việc Phật quyết rời bỏ ngôi vị cao sang, quyền quí, giàu có tột bực, để đi tìm con đường giải thoát.
-Đại Lực : Trong việc Phật không nương tựa vào một thế lực hay chân sư nào để cầu đạo, mà chỉ tự lực tìm ra chân lý giải thoát.
-Đại Bi : Trong suốt cuộc đời, Phật chỉ lo truyền pháp để cầu giải thoát đau khổ cho toàn thể nhân loại, đến hơi thở cuối cùng của ngài.
2-Ngũ Thời Thuyết Pháp Của Phật :
Trong suốt bốn mươi chin (49) năm truyền pháp, tùy theo trình độ căn cơ và phương tiện của mọi người, Đức Phật thuyết giảng để hóa độ chúng sinh. Về sau, các đệ tử của Phật sắp xếp lại những lời giảng, bài thuyết pháp của ngài thành những kinh pháp, và chia ra làm năm (5) thời kỳ như sau: -Thời Kinh Hoa Nghiêm, -Thời Kinh A Hàm, -Thời Kinh Phương Đẳng,
-Thời Kinh Bát Nhã, và -Thời Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn:
2.1-Thời Kinh Hoa Nghiêm: Sau khi thành đạo, Đức Phật còn ngồi lại dưới gốc cây Bồ Đề thêm hai mươi mốt (21) ngày. Trong một tinh thần rất sảng khoái, cao hứng, Ngài giảng thuyết về chân lý cao thâm huyền diệu, vào bậc Đẳng Giác và Diệu Giác. Chỉ có các bậc thiên thần nghe được, còn người bình thường không sao hiểu nổi. Những lời thuyết giảng này, về sau được các đệ tử chép lại thành kinh Hoa Nghiêm.
2.2-Thời Kinh A Hàm: Vào kỳ thứ hai này, Ngài giảng pháp về kinh A Hàm, trong mười hai (12) năm. Bắt đầu tại rừng Lộc Uyển (nước Bà La Nai), để thích hợp với bình dân đại chúng, Đức Phật áp dụng những lời giảng dễ hiểu, bình dân, gồm có nhiều thí dụ cụ thể. Phật pháp gồm nhiều giáo điều luân lý, không dùng đến những luận thuyết cao sâu. Mục đích giúp cho hàng Tiểu Thừa dễ đạt phần tự tu, tự độ.
2.3-Thời Kinh Phương Đẳng: Giáo lý của Phật bắt đầu phổ thông trong dân gian. Trong tám (8) năm với những lời giảng pháp của kinh Phương Đẳng, bao gồm những giáo điều luân lý, có kèm lẫn với những luận thuyết chứng minh. Mục đích của Phật nhằm khuyến khích hàng tự giác tiêu cực của Tiểu Thừa (A La Hán) tiến lên hàng Giác Tha, tích cực bao la của Đại Thừa, để phổ độ chúng sinh bốn phương.
2.4-Thời Kinh Bát Nhã: Tiếp theo trong hai mươi hai (22) năm là thời kỳ tranh biện, ngày càng gay go, với các nhóm triết học, giáo phái truyền thống Ấn Độ. Phật phải giảng cho các đệ tử trí thức siêu đẳng về những nguyên lý cao sâu của vũ trụ, thật tướng và vô tướng của vạn vật, với kinh Bát Nhã.
2.5-Thời Pháp Hoa và Niết Bàn: Trong tám (8) năm sau cùng, nhiệm vụ thuyết pháp độ sinh của Phật đã viên mãn. Phật pháp đến lúc trưởng thành. Phật nhận thấy căn cơ chúng sinh đã thuần thục, để gánh vác Đại Thừa chánh pháp. Cho nên, Ngài mang Bồ Tát Thừa ra giảng cho hàng đệ tử cao nhất với bộ kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn. Đây là tinh hoa của Phật giáo.
Tóm lại, lúc đầu tiên thời Hoa Nghiêm, Phật giảng thuyết về chân lý diệu giác mầu nhiệm. Tiếp theo, thời A Hàm, Phật áp dụng lối giảng dễ hiểu về giáo điều luân lý, và thuyết về vũ trụ, vạn tượng là “Có” (Hữu Luận). Đến thời Phương Đẳng, Phật thuyết giảng về những luận thuyết chứng minh, khi “Có” khi “Không” (vừa Hữu Luận và Không Luận). Mãi đến thời Bát Nhã, Phật giảng những nguyên lý cao siêu về vũ trụ, vạn vật. Phật dạy rằng “Vạn Cảnh Giai Không” tức là “Không Luận”. Sau cùng, vào thời Pháp Hoa và Niết Bàn, Phật mang Bồ Tát Thừa ra dạy rằng: Vạn Tượng “Chẳng Có” mà cũng “Chẳng Không”, vẫn “Có” mà vẫn “Không”, nghĩa là thuyết Trung Đạo.
3-Tứ Kỳ Đại Hội Kết Tập Phật Học: Kho tàng kinh điển giáo lý Phật học gồm trong tam tạng là Kinh, Luật và Luận:
-KINH là những lời nói giảng thuyết của Đức Phật Tổ Thích Ca lúc còn tại thế, dùng để khuyến dạy chúng sinh.
-LUẬT là những khuôn phép, điều lệ, giới hạn, do Phật Tổ chế đặt ra để áp dụng cho các đệ tử, trong lúc tu hành, trau dồi thân tâm thanh tịnh, và tránh dữ làm lành.
-LUẬN là những sách do các đệ tử của Phật biên soạn để giảng giải rõ ràng các nghĩa lý ẩn tàng trong Kinh và Luật.
3.1-Đại Hội Kết Tập Kỳ Thứ 1: Bốn tháng sau khi Phật nhập diệt Niết Bàn, Khoảng năm trăm (500) đại đệ tử của Phật đã nhóm họp tại thành Vương Xá / Rajagrika, liên tiếp trong bảy (7) tháng, dưới sự lãnh đạo của Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp / Mahakasyapa, để tụng học ôn lại những kinh luật của Phật. Ngài A-Nan được đại hội cử ra để đọc tụng lại những lời dạy của Phật (Kinh). Ngài Ưu-Ba-Ly / Upali được cử để đọc ôn lại các điều lệ giới luật của Phật (Luật).
3.2-Đại Hội Kết Tập Kỳ Thứ 2: Khoảng một trăm (100) năm sau khi Phật nhập diệt NIết Bàn, vì có sự bất đồng ý kiến về các điều luật, nên các đệ tử của Phật triệu tập đại hội, được chia ra hai nhóm hợp riêng tại hai thành Vaisaly và Vajji:
3.2.1-Phái Thượng Tọa (Bảo Thủ hay Nguyên Thủy / Theravada:
Nhóm tăng sĩ hội họp tại thành Vaisaly được gọi là Phái Thượng Tọa / Nguyên Thủy / Theravada, do Ngài Trưởng Lão Yasa triệu tập, đồng thanh biểu quyết giữ đúng những điều luật của Phật dạy (mặc dù di huấn của Đức Phật có cho phép các đệ tử tái chế định, sửa chữa lại những điều luật của Phật cho hợp với thời đại).
3.2.2-Phái Đại Chúng (hay Cấp Tiến): Nhóm tăng sĩ hội họp tại thành Vajji được gọi là Phái Đại Chúng hay Cấp Tiến / Mahasanghikas, do Đại Đức Vajjiputra chủ tọa, tất cả đều đồng ý sửa đổi mười (10) điều luật của Phật dạy, để thích hợp với hậu thế.
Từ đó, Phật giáo được chia làm hai phái rõ rệt. Một trăm (100) năm về sau, bắt nguồn từ hai phái chính này, Phật giáo được chia thành hai mươi (20) chi phái khác nhau. Về tư tưởng, cũng có một số chi phái chủ trương pha trộn giữa hai khuynh hướng lẫn nhau.
-Khuynh hướng Bảo Thủ gồm có mười một (11) chi phái khác nhau:
1-Thượng Tọa / Theravada, 2-Thuyết Nhất Thiết Hữu / Sarvastivada,
3-Độc Tử / Vatsiputriyah, 4-Pháp Thượng / Dhasmottariya, 5-Hiền Duẩn / Bhadrayamiya, 6-Chánh Lượng / Samatiyah, 7-Đắc Địa / Mahisasaka,
8-Mật Lâm Sơn / Sangarikah, 9-Pháp Tạng / Dharmaguptan, 10-Quán Âm / Kasyapiya, 11-Kinh Lượng / Sautrantika.
-Khuynh hướng Cấp Tiến gồm có chin (9) chi phái khác nhau như:
1-Đại Chúng / Mahasanghikas, 2-Nhất Thuyết / Ekavya Vaharikah,
3-Thuyết Nhất Thế / Lokottaravabinan, 4-Kê Túc / Kankkutika, 5-Đa Văn / Bahusrutiyah, 6-Thuyết Dã / Prajnaptivanah, 7-Chế Đa Sơn / Jetavaniyar,
8-Tây Sơn Trụ / Aparasailah, 9-Bắc Sơn Trụ / Uttasasailah.
3.3-Đại Hội Kết Tập Kỳ Thứ 3: Hơn hai trăm (200) năm sau ngày Phật nhập diệt Niết Bàn ( vào năm 274 trước Tây Lịch), tại thành Patahiputa, Hoàng Đế A-Dục triệu tập đại hội một ngàn (1000.) vị Đại Trưởng Lão, dưới sự chủ tọa của Ngài Mục Kiền Liên Tu-Đế / Moggaliputta Tissa, trong chin (9) thang, để kết tập kinh điển, và chỉnh đốn lại hàng ngũ tăng giới, bằng cách bài trừ hàng tăng sĩ phá giới, vô kỷ luật.
3.4-Đại Hội Kết Tập Kỳ Thứ 4: Khoảng sáu trăm (600) năm sau ngày Phật nhập diệt Niết Bàn, tại thành Ca-Thập-Di-La, vua Ấn Độ là Ca-Uy-Sắc-Ca triệu tập một ngàn năm trăm (1,500.) gồm cả tăng sĩ và cư sĩ, dưới sự chủ tọa của Ngài Hiệp-Tôn-Giả và Thế-Hữu, để kêt tập kinh điển lần thứ tư (4th).
4-Các DanhTừ Nam Tông & Bắc Tông, Tiểu Thừa & Đại Thừa:
Mãi đến hai kỳ đại hội kết tập kinh điển thứ ba (3rd) và thứ tư (4th), Phật học mới được ghi chép lại thành sách vở, bởi hai (2) loại văn tự: Pali và Sanskrit / Phạn Văn của Ấn Độ.
4.1-Nam Tông và Bắc Tông (Về mặt địa lý truyền bá của Phật giáo):
Tiếng Pali được dùng bởi các cư dân ở miền Nam Ấn Độ, cho nên, các kinh điển Phật giáo bằng chữ Pali đã có cơ hội thuận tiện lan truyền hướng xuống các phần đất nằm về phía Nam của Ấn Độ như các xứ: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên, . . . Nên được gọi là Nam Tông Phật Giáo.
Tiếng Sanskrit / Phạn ngữ là tiếng được dùng cho các cư dân ở miền Trung và Bắc Ấn Độ. Các kinh sách Phật giáo bằng Phạn ngữ / Sanskrit đã có dịp truyền sang các phần đất tiếp cận với Bắc Ấn Độ, các xứ ở về phía Bắc như: Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, . . Nên cũng được gọi là Bắc Tông Phật Giáo.
4.2-Tiểu Thừa / Hinayana và Đại Thừa / Mahayana:
Danh từ Tiểu Thừa và Đại Thừa chỉ sự khác biệt về phần tư tưởng, giáo lý giữa hai phái chính là Thượng Tọa (Bảo Thủ hay Nguyên Thủy) và Đại Chúng (Cấp Tiến).
“Thừa” có nghĩa là chuyên chở. Đôi khi, người ta dùng chữ “Thặng”, có nghĩa là cỗ xe. “Thừa” hay “Thặng” đều có nghĩa bao hàm: Giáo lý của Đức Phật có công năng như một chiếc xe chuyên chở, đưa chúng sinh từ cõi trần đầy phiền não, đau khổ, đến cảnh giới an vui thanh tịnh giải thoát (Niết Bàn). -Tiểu Thừa (chuyên chở nhỏ) là phái tu Phật chỉ lo phần tự giác, tự độ cho cá nhân của mình. -Đại Thừa (chuyên chở lớn) là phái tu Phật vừa lo tự giác, tự độ cho mình, vừa lo giác tha, phổ độ chúng sinh.
Tóm lại, Phật Giáo Nam Tông (tại các xứ về phía Nam Ấn Độ) thường đi đôi với với danh từ Tiểu Thừa (về tư tưởng chỉ lo phần tự giác, tự độ cá nhân) để chỉ các tăng sĩ học theo phái Thượng Tọa / Nguyên Thủy, với sách Phật được ghi chép bằng chữ Pali làm phương châm.
Phật Giáo Bắc Tông (tại các xứ về phía Bắc Ấn Độ) hay còn được gọi là Đại Thừa (về tư tưởng, vừa lo tự giác cá nhân, vừa lo giác tha cho người khác để phổ độ chúng sinh) nhằm chỉ các tăng sĩ theo học phái Đại Chúng / Cấp Tiến, với kinh sách Phật bằng Phạn văn / Sanskrit. (-vào năm 1950, tại Colombo / Tích Lan các tổ chức Phật Giáo Thế Giới nhóm họp và đã đồng ý dùng danh từ Phật Giáo Nguyên Thủy thay cho danh từ Tiểu Thừa, vàPhật Giáo Phát Triển thay cho danh từ Đại Thừa).
5-Những Tương Đồng & Dị Biệt Giữa Tiểu Thừa & Đại Thừa:
5.1-Những Điễm Tương Đồng: Hai mươi (20) chi phái Phật Giáo thuộc Nam Tông (Tiểu Thừa / Bảo Thủ) và Bắc Tông (Đại Thừa / Cấp Tiến) đều thờ chung một đấng giáo chủ Phật Tổ Thích Ca, cùng chung mục đích diệt trừ khổ não, để giải thoát, và cùng chung tin tưởng các nguyên lý căn bản như sau:
a-Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, và Đạo Đế).
b-Thuyết Nhân Duyên Sanh / Thập Nhị (12) Nhân Duyên (gồm có: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, và Lão Tử).
c-Thuyết Chư Hành Vô Thường.
d-Thuyết Nghiệp Báo Luân Hồi.
e-Thuyết Chư Pháp Vô Ngã.
f-Thuyết NIết Bàn Tịch Tịnh.
5.2-Những Điểm Dị Biệt:
a-Tiểu Thừa khiêm tốn chỉ lo về tự giác, tự độ cá nhân của mình, để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. -Đại Thừa chẳng những lo tự giác, tự độ cho cá nhân của mình, đồng thời còn giác tha, lo phổ độ chúng sinh với tâm lượng quảng đại phóng khoáng.
b-Tiểu Thừa chỉ lo phá Ngã chấp, chớ không lo phá Pháp chấp. -Đại Thừa lo phá cả hai Ngã chấp và Pháp chấp.
c-Tiểu Thừa lo giải thoát và cách ly ra khỏi thế gian tướng.-Đại Thừa lo giải thoát nhưng không cách ly thế gian tướng.
d-Về phương diện thực hành giới luật: -Tiểu Thừa chủ trương giữ nguyên giáo quyền truyền thống, nghiêm trừ giới luật, nô lệ kinh sách. -Đại Thừa chủ trương tự do phóng khoáng, bất chấp văn tự, quyền biến linh động, tùy duyên hóa độ, giới luật được cải biến để thích nghi với trình độ hiểu biết của thời đại.
e-Những đặc điểm của Đại Thừa mà Tiểu Thừa không công nhận như sau: -Tư Tưởng Bồ Tát Hạnh / Bodhisatva. –Quan Niệm Tam Thân: Pháp Thân / Dharmakaya, Báo Thân / Sambhogakaya. và Ứng Thân / Nirmanakaya. -Phật Tánh Bình Đẳng. -Chủ Trương Tất Cả Đều Không / Sunyata. e-Quan Niệm Thực Hành Lục Độ / Paramitas, và Cấp Bậc Thập Địa. Chính nhờ những tư tưởng mới mẻ này, Đại Thừa Phật Giáo đã đi sâu rộng vào lãnh vực triết học hơn là tôn giáo, và vấn đề siêu hình trở nên quan trọng.
Vào năm 140 sau Tây Lịch, Đại Thừa Phật Giáo được phát triển mạnh, nhờ vào công đức đầu tiên của Ngài Mã Minh Bồ Tát / Asvaghosa, người ở Bắc Ấn Độ, sáng tác Bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín, và Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, giúp bắc nhịp cầu cho các tín hữu Tiểu Thừa bước qua Đại Thừa.
Một trăm (100) năm sau, nối nghiệp Ngài Mã Minh có Ngài Long Thọ Bồ Tát / Nagarjuna, người ở nước Tỳ-Dạt-La, miền Nam Ấn Độ, sáng tác các bộ luận như: Trung Quán, Thập Nhị Môn, Trí Độ, . . . Ngài chủ trương lý thuyết “Không / Sunyatan”. Sau đó hai đệ tử của Ngài Long Thọ là Long Trí và Đề Bà cũng góp công lớn trong việc phát triển Đại Thừa Phật Giáo.
Vào khoảng thế kỷ thư tư (4th) sau Tây Lịch, hai anh em Ngài Vô Trước / Asanga, và Thế Thân / Vasubandhu, sanh ở Bắc Ấn Độ, chủ trương về Pháp Tướng Duy Thức Học / Vijinanavada. Ngài Vô Trước / Asanga sáng tác bộ Nhiếp Đại Thừa Luận. Ngài Thế Thân / Vasubandhu sáng tác bộ Cu Xá Luận / Abbidharmakosa. Tư tưởng của hai Ngài đã ảnh hưởng đại chúng kéo dài đến thế kỷ thứ mười (10th) sau Tây Lịch, đã làm cho Đại Thừa Phật Giáo ở Ấn Độ được phát triển rực rỡ, và làm lu mờ các giáo lý Tiểu Thừa vào lúc bấy giờ.
Tóm lại, vào năm 624 trước Tây Lịch, Đức Phật Thích Ca ra đời trong một xã hội Ấn Độ đầy bất công, nhân sinh thống khổ. Năm ba mươi (30) tuổi, Ngài đắc đạo Bồ Đề, khai sáng giềng mối Phật Giáo. Trong cuộc đời thọ tám mươi (80) tuổi của Phật, chúng ta nhận thấy Phật Tổ là một bậc Đại Hùng, Đại Lực, và Đại Bi.
Trong bốn mươi chin (49) năm truyền đạo, Đức Phật thuyết giảng đạo pháp diệt khổ, giải thoát, tùy duyên hóa độ chúng sinh, lần lượt qua năm (5) thời kỳ thuyết pháp với năm (5) bộ kinh như: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh A Hàm, Kinh Phương Đẳng, Kinh Bát Nhã, và Kinh Pháp Hoa lẫn Kinh Niết Bàn. Về sau, các đệ tử của Phật đã nhóm họp đại hội để ôn tụng lại các kinh luật của Ngài, xuyên qua bốn (4) thời kỳ kết tập kinh điển. Vào thời kỳ đại hội kết tập thứ hai (2nd), vì sự bất đồng ý kiến, các đệ tử của Phật đã chia ra làm hai (2) nhóm có hai (2) khuynh hướng khác nhau: phái Thượng Tọa / Bảo Thủ hay Nguyên Thủy, và phái Đại Chúng / Cấp Tiến. Mãi đến một trăm (100) năm sau đó, bắt nguồn từ hai khuynh hướng chính này, Phật giáo được chia ra làm hai mươi (20) chi phái khác nhau.
Vào hai kỳ đại hội kết tập kinh điển thư ba (3rd) và thứ tư (4th), kinh luật của Phật mới được ghi chép lại bằng văn tự Ấn Độ. Kinh sách chữ Pali được dùng tại các phần đất thuộc miền Nam Ấn Độ, và các nước ở phương Nam như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên . . . ,
gồm có mười một (11) chi phái thuộc khuynh hướng Thượng Tọa / Bảo Thủ hay Nguyên Thủy, còn được đọi là Phật Giáo Nam Tông hay Tiểu Thừa, với chủ trương tự giác, tự độ. Ngoài ra, kinh sách bằng Phạn ngữ / Sanskrit được dùng tại các phần đất thuộc miền Trung và Bắc Ấn Độ, và các nước ở phương Bắc như: Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam . . . , gồm có chin (9) chi phái thuộc khuynh hướng Đại Chúng / Cấp Tiến, còn được gọi là Phật Giáo Bắc Tông hay Đại Thừa, với chủ trương vừa tự giác, tự độ, vừa lo phổ độ chúng sinh.
Hai khuynh hướng Phật Giáo Nam Tông / Tiểu Thừa hay Nguyên Thủy, và Phật Giáo Bắc Tông / Đại Thừa hay Cấp Tiến đều thờ chung một Phật Tổ Thích Ca, cùng có chung một mục đích diệt trừ khổ não, và cùng tin tưởng các nguyên lý căn bản về Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Thuyết Vô Thường, Vô Ngã, Luân Hồi, và Niết Bàn.
Về vũ trụ quan, Phật giáo cho rằng ngoài thế gian này (Dục Giới), vũ trụ còn có vô số cảnh giới khác nhau (thuộc nhiều Sắc Giới và Vô Sắc Giới). Theo kinh Hoa Nghiêm luận rằng Pháp Giới (muôn ngàn hình tướng khác biệt trong vũ trụ) trùng trùng duyên khởi, tức là các cảnh giới chồng chất nhau do nhân duyên hình thành. Trong khi kinh Bát Nhã cho rằng Vạn Pháp (Vạn Sự và Vạn Vật) đều là vô tướng. Cũng như Luật Vô Thường (không lâu bền, đổi thay) chi phối Vạn Pháp trong vũ trụ như sau: -Vạn sự đều chuyển biến lần lượt theo bốn (4) thời kỳ: Thành, Trụ, Hoại, và Không. -Vạn vật phải biến đổi theo bốn giai đoạn: Sinh, Tru, Dị, và Diệt. –Con người phải chịu trải qua: Sinh, Bệnh, Lão, và Tử.
Về nhân sinh quan, con người có hai đời sống thân xác và tinh thần.
Thân xác là một hợp chất do bốn (4) yếu tố: Đất, Nước, Gió, và Lửa, giả tạm thành hình, và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hữu hạn, trăm (100) năm, rồi bốn (4) yếu tố vật chất này đều bị tan rã, trở về trạng thái cũ. Còn tinh thần (Tâm Thức) sẽ do một nghiệp lực dẫn dắt đến một cảnh giới an vui hay buồn khổ. Do đó, lúc sống ở đời, con người cố gắng tu sửa hành vi, tư tưởng được hoàn thiện. Kết quả sau khi chết, tinh thần sẽ được về nơi chốn an lành (mà Phật giáo gọi là cảnh Niết Bàn). /.
–Giáo Sư VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét