17 tháng 12, 2011

Nhà Mạc và họ Mạc


MẤY NHẬN THỨC MỚI KHI ĐỌC

“- NHÀ MẠC VÀ HỌ MẠC -
Ý CHÍ VÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC”
của PHAN ĐĂNG NHẬT




Đúng vào dịp GS TSKH Phan Đăng Nhật kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80, ông cho xuất bản cuốn sách “NHÀ MẠC VÀ HỌ MẠC-Ý CHÍ VÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC”. Từ những tư liệu đã có, cuốn sách được hoàn thành trong vòng hai tháng để kịp làm quà tặng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Mạc tộc lần thứ nhất (6/11/2011). Đối với con cháu Mạc tộc đây là món quà quý giá. Tôi rất nâng niu, trân trọng cuốn sách và chăm chú đọc…
Với tư cách hậu duệ của họ Mạc đã từng chịu nhiều “sự oan khuất khôn nguôi2, tôi vô cùng biết ơn những nhà nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, văn học, văn hóa, nghệ thuật…đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đánh giá khách quan về nhà Mạc, lấy lại “công minh lịch sử và công bằng xã hội” trong việc “biểu dương và tôn vinh đúng mức công lao của họ Mạc3. Khi đọc cuốn sách này của GS Phan Đăng Nhật – cũng là hậu duệ họ Mạc, là anh em đồng tộc – tôi bỗng nảy sinh một tâm lý “cảnh giác”: liệu ông có gì mới hơn và có bị tình cảm chủ quan lấn át tính khách quan khoa học không? Làm sao mình nhận thức cho thật khách quan? 
Đọc một mạch hết cuốn sách, tôi phải thừa nhận nó có một vài hạn chế:
- Bố cục cuốn sách có ba phần: Phần I- Ý chí và mục tiêu chung; Phần II – Một số vấn đề cụ thể; Phần III: Sự kế thừa ở đời sau. Trong đó một số sự việc trình bầy khái quát ở phần I, được cụ thể hóa ở phần II, nên không tránh khỏi những điểm trùng lặp về nội dung, nhất là một số trích dẫn sử liệu;
- Do nguồn tư liệu “có đến đâu, đưa vào sách đến đấy”, nên cấu trúc của sách chưa được cân đối giữa nội dung các phần, các mục;
- Quả thật có một số ngôn từ trong văn phong khoa học bị cảm xúc chi phối lấn át!...
Tuy nhiên, cuốn sách lại rất hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, nhất là phần I và phần II, là do đâu? Có lẽ đó là do cuốn sách được viết không chỉ với tư duy logic –lịch sử mà còn thấm đẫm trí tuệ xúc cảm với cách tiếp cận mới và phương pháp phân tích, chứng minh rất sinh động, thuyết phục. Đặc biệt tính khoa học, khách quan được quán triệt, cẩn trọng: tác giả đã sử dụng 186 trích dẫn của 62 tài liệu tham khảo, trong đó có một số tài liệu mới, rất quý. Các chú thích đều rất chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể, đảm bảo tính chính xác cao…
Đối với Sử học, tôi là người “ngoại đạo”, nên đọc cuốn sách với tâm thế người tiếp nhận các tri thức lịch sử, đã bị cuốn sách hấp dẫn lôi cuốn thực sự. Cuốn sách đã đem lại cho tôi những nhận thức mới về lịch sử rất quan trọng.
1. Quan điểm nhìn nhận các sự kiện lịch sử phải xuất phát từ tính khách quan, hợp với quy luật của tiến trình lịch sử, tránh bị giam cầm trong ý thức hệ lỗi thời. Chẳng hạn với quan niệm Nho giáo phong kiến, việc người anh hùng phế bỏ những ông vua không còn khả năng trị vì đất nước để lên ngôi, trị quốc, an dân, luôn bị khép vào tội “phản nghịch”, “cướp ngôi” và bị cọi là “ngụy”, là “nhuận”; những triều đại đó không những không có chỗ đứng trong sử sách mà còn bị bôi nhọ, phỉ báng bởi các sử gia nặng đầu óc “trung quân” mù quáng, như họ đã miệt thị: “nhuận Hồ”, “ngụy Mạc”, “ngụy Tây Sơn”…Quan điểm này không mới, nhưng Phan Đăng Nhật đi sâu hơn, triệt để hơn, bằng cách xác lập chỗ đứng của tác giả là đặt quyền lợi của nhân dân và dân tộc lên cao nhất (trên tư tưởng Nho giáo về “trung quân”, trên cả quyền lợi của vương triều, trên sĩ diện của cá nhân ông vua).
Từ đó tác giả phân tích, lý giải việc lên ngôi của Mạc Đăng Dung là chính đáng, cứu trăm họ khỏi cảnh nhũng loạn, rối ren, đem lại an bình cho xã hội, ấm no cho nhân dân, phát triển cho đất nước, mà các sử gia thời Lê- Trịnh dẫu muốn “bôi đen” cũng vẫn phải ghi lại một phần những sự thật tốt đẹp quá rõ ràng mà người dân thường ai cũng thấy...
Cũng với quan điểm đó, với phương pháp phân tích, so sánh, chứng minh bằng các sử liệu khá đầy đủ, cụ thể về: Ý chí xâm lược của nhà Minh – ý chí và chiến lược, chiến thuật chống giặc của nhà Mạc; so sánh lực lượng Minh – Mạc, chỉ ra tình thế “đất nước ngàn cân treo sợi tóc” và lựa chọn khó khăn của Mạc Đăng Dung khi đặt lợi ích đất nước và sinh mạng nhân dân lên trên sĩ diện cá nhân, thậm chí trên cả sinh mạng của mình. Đây là vấn đề nhạy cảm, có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng quan niệm và luận giải của Phan Đăng Nhật là mới và có cơ sở khoa học, khách quan được chứng minh bằng các sử liệu mới, đủ tin cậy. Thực ra thì trước đây đã nhiều nhà nghiên cứu (Trần Quốc Vượng, Nguyễn Minh Tường, Ngô đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Đinh Khắc Thuân, Phan Văn Các, Hoàng Lê …) đã nhiều lần khẳng định: Nhà Mạc và Mạc Đăng Dung không hề mắc tội phản quốc… Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2010) trong tài liệu “Sách phong trong quan hệ Minh - Mạc”… đã dẫn ra lời của Mạc Đăng Dung nói thẳng với vua Minh: …“Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, (tội theo sớ tâu trình cầu viện của nhà Lê- MVT) còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng!”4Chẳng lẽ người đời sau không thấu hiểu: Mạc Đăng Dung đã đặt đất nước và nhân dân lên trên sinh mạng bản thân mình! GS Trần Quốc Vượng (1998) đã phải nhấn mạnh: “Ông già này (Mạc Đăng Dung- MVT) gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!. Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “ thần phục giả vờ, độc lập thực sự” ( Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “ Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?”(Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, Hội Khoa học Lịc sưu Việt Nam).
Phan Đăng Nhật đứng về phía lợi ích của đất nước, của nhân dân để xem xét và với những cơ sở sử liệu mới, đủ tin cậy nên có cái nhìn sâu sắc hơn, triệt để hơn, mới hơn khẳng định: “ Thái tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho thiên triều đỡ mất mặt. Ông đã đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sĩ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi được 22 vạn quân Minh mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu”(…) “Lịch sử nước nhà cần ghi nhận công ơn này”. (trang 94 – 95). Tôi biết, với tâm thế người Việt trước ngoại xâm là “Thà hy sinh tất cả…” và với những định kiến lịch sử về nhà Mạc đẵ ăn sâu vào đầu óc người Việt suốt mấy trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ, việc tiếp nhận thông điệp mới mà Phan Đăng Nhật nêu ra, không phải dễ dàng. Nhưng bạn đừng vội “tức khí” mà hãy bình tĩnh đọc cuốn sách và suy ngẫm, nó có thể đem lại cho bạn những nhận thức mới về lịch sử.
Phải nói thêm rằng, phương pháp trình bầy sự kiện lịch sử của Phan Đăng Nhật ở đây rất hấp dẫn, đặc biệt các dẫn liệu rất giá trị: “Các ý kiến khác nhau phía nhà Minh về việc đánh “An Nam” (trang 32) và cụ thể hơn ở phần sau, trang 85, 86, 87, 88… Tôi chợt nghĩ, nếu các sách giáo khoa Lịch sử được trình bầy theo phương pháp như thế này, để học sinh tự thảo luận, phân tích, so sánh, rút ra kết luận thì các em sẽ mê môn Sử, chứ làm sao lại chán Sử được!
Phân tích của tác giả trong mục: “Tại sao có sự đánh giá rất khác nhau về nhà Mạc”? (tr. 68), “Tại sao nhà Mạc thành công và tại sao thất bại” (tr.70) cũng có cái nhìn mới mẻ khách quan, toàn diện hơn, phản ánh xu thế phát triển thăng trầm của lịch sử… 
2. Cách tiếp cận lịch sử không “cắt khúc” từng sự kiện, từng thời điểm riêng lẻ để phán xét mà nhìn bao quát một triều đại từ lúc lên ngôi, trị vì cho đến lúc mất ngôi; không chỉ đánh giá những thành tựu của nó lúc trị vì mà còn đi tìm sức sống vẫn tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ của nó trong không gian rộng lớn và thời gian lâu dài đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Với cách tiếp cận đó Phan Đăng Nhật đã đặt vương triều Mạc gắn kết vào trong dòng họ Mạc và xét nó như một dòng chảy liên tuc trong lòng dân tộc. Từ đó ông phát hiện ra “Ý CHÍ VÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC” xuyên suốt của nhà Mạc từ 65 năm trị vì ở Thăng Long đến 90 năm “sơ tán” ở Cao Bằng và được tiếp nối trong dòng máú, trong lý tưởng của hậu duệ nhà Mạc: Từ Mạc Cảnh Huống khai quốc công thần của các chúa Nguyễn mở cõi phương Nam, chống nhà Trịnh, đến Hoàng Công Chất tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ lớn mạnh ở Tây Bắc, mong giành lại quyền bính; tiếp đó là những Hoàng Diệu, Phạm Hồng Thái, Phan Đăng Lưu… quên mình với lý tưởng vì dân, vì nước. Mặc dù Phan Đăng Nhật coi đây mới là “gợi mở một hướng nghiên cứu” nhưng những dẫn chứng, luận giải của ông khá thuyết phục, gợi cho người đọc có cái nhìn mới mẻ. Ở đây tôi chỉ xin nêu hai ví dụ về nhận thức mới:
- Mạc Đăng Dung nếu hám ngôi vua thì với quyền lực tối cao trong quân đội và trước thảm kịch triều đình bê bối, ông đã “cướp ngôi” dễ dàng, sao còn phải tận tâm, tận lực suốt 16 năm trung thành tận tâm, tận lực chèo chống, gây dựng cho các vua Lê? Cuối cùng vì “đòi hỏi của lịch sử” trị quốc, an dân ông phải lên ngôi, và cũng chỉ ba năm, ông nhường ngôi cho con, thường về quê ở Dương Kinh để “coi nghề đánh cá là thú ngao du tự lạc5… Từ đó tác giả phân tích bản tính, tư tưởng “thân dân” của Mạc Đăng Dung và những chính sách cởi mở, đổi mới “vì dân” của nhà Mạc, đem lại sự phát triển cho nông nghiệp, thủ công nghiệp, giao thương buôn bán, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo sinh hoạt tinh thần của xã hội…Và những thành quả nhà Mạc đem lại cho nhân dân đã đi sâu vào đời sống xã hội bền vững đến mức định hình thành những giá trị văn hóa tinh thần trong dân gian, thể hiện trong các sinh hoạt đình chùa, hội quán ở các làng quê cho đến tận ngày nay. Những phân tích của tác giả về việc nhà Lê Trung hưng cùng chúa Trịnh ra nhiều điều lệnh cấm các sách chữ Nôm, cấm những sinh hoạt ca, múa dân gian thịnh hành trong thời Mạc, nay “…xét ra trái ngược với giáo hóa của nhà Chúa”, là “”, “ngoa”, “dâm”…6, nhưng văn hóa dân gian từ thời Mạc vẫn cứ tồn tại… Đó là những phân tích rất thú vị. Rồi lòng dân tiếp tục hướng về nhà Mạc ngay cả khi thất thủ ở Thăng Long, chạy lên Cao Bằng, qua “khảo sát đơn vị ca dao: để anh đi chẩy nước non Cao Bằng” ( trang 132) của tác giả khá hấp dẫn, mới mẻ…Tư tưởng, chính sách “thân dân” của nhà Mạc còn thể hiện ở sự thu phục lòng người đối với các dân tộc thiểu số miền núi nên nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng mới tồn tại suốt 90 năm và sau này là lực lượng lớn mạnh của “vua Chất” ở Điên Biên – Tây Bắc…
- Ý chí bảo vệ đất nước bằng mọi giá, quyết không cho giặc ngoại bang lấy cớ đưa quân vào xâm chiếm đất nước, tàn sát dân ta là một tư tưởng, một quyết tâm xuyên suốt các thời kỳ lịch sử của nhà Mạc. Lời dặn của Thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn khi lâm chung: “...Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng” là một tư tưởng tưởng lớn của nhà Mạc. Từ đó nhìn lại ta càng hiểu hành động của Mạc Đăng Dung đã làm mọi cách để tránh cuộc tàn sát, thảm họa cho dân, cho nước kể cả gánh chịu nỗi nhục vào mình, chấp nhận cả sinh mạng của mình (như đã nói ở phần trên). Thấm nhuần tư tưởng đó nên suốt thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng 90 năm, đã không để cho quan quân nhà Minh bước qua biên giới, giang sơn, bờ cỡi vẫn được vẹn toàn, kể cả Ải Nam Quan, thác Bản Giốc…Hậu duệ nhà Mạc từ Mạc Cảnh Huống, Hoàng Công Chất, Hoàng Diệu, Phạm Hồng Thái, Phan Đăng Lưu…vẫn nuôi dưỡng ý chí chống ngoại xâm đến cùng, vì dân, vì nước… 
3. Nghiên cứu Lịch sử không thể chỉ căn cứ vào một số pho sử cũ, mà phải không ngừng tìm kiếm cập nhật tư liệu mới ở trong và ngoài nước, nhất là khai thác những giá trị vật thể và phi vật thể vẫn đang tồn tại ở những vùng “địa - lịch sử”, bằng nhiều phương pháp khoa học, phối hợp liên ngành…
Lúc sinh thời, GS Trần Quốc Vượng rất say sưa với phương pháp nghiên cứu “điền dã”. Ông đã đi khắp mọi miền đất nước, phát hiện, “đào bới” mọi dấu tích lịch sử để tìm kiếm những bằng chứng lịch sử mới, đem lại những nhận thức mới được đánh giá cao. Ông cùng với các đồng sự đã nhiều lần “đào bới” trên vùng đất Dương Kinh của nhà Mạc và từ đó có nhiều nhận định mới về nhà Mạc.
Phan Đăng Nhật đã tiếp tục hướng nghiên cứu đó một cách khẩn trương, tha thiết, nhưng ông cũng biết sẽ vô vàn khó khăn, nên chỉ gọi là “gợi mở một hướng nghiên cứu mới”. Nói vậy những Phan Đăng Nhật cũng đã làm được khá nhiều việc theo hướng này:
- Cập nhật những phát hiện mới của Đinh Khắc Thuân qua nghiên cứu các văn bia, các sử liệu mới về nhà Mạc;
- Những tư liệu trong Minh thực lục, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII được dịch và xuất bản 2010 (NXB Hà Nội);
- Việt sử tư liệu cùng lời bàn, Hồ Bạch Thảo, Thư quán, 2009, (chữ Hán)…
- Những nghiên cứu mới về Mạc Cảnh Huống, Hoàng Công Chất…
- Đặc biệt những nghiên mới do Phan Đăng Nhật trực tiếp hoặc chỉ đạo tiến hành, như “Nhà Mạc ở Cao Bằng, sự kế tục tư tưởng và chính sách vốn có, ở hoàn cảnh mới”; “Ý nghĩa lịch sử văn hóa của đền thờ 18 vị quận công nhà Mạc ở Sóc Sơn, Hà Nội”; “Khảo sát đơn vị ca dao “để anh đi chảy nước non Cao Bằng”…là những đóng góp mới theo hướng tiếp cận này.
Ông còn đề xuất những đề tài nghiên cứu tiếp về nhà Mạc và dòng họ Mạc ở Cao Bằng và vùng phụ cận, ở Nghệ An, Quảng Nam – Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình, Điện Biên và hậu duệ Hoàng Công Chất ở Tân cương trung Quốc… Ông hy vọng: “Từ các công trình nghiên cứu trên sẽ tổng hợp lại thành một cuốn lịch sử nhà Mạc và họ Mạc theo hướng nghiên cứu mới, đã trình bầy ở trên”… (trang 230). Chắc ông vui lắm, vì giờ này đã có thông tin: đề tài nghiên cứu về họ Mạc ở Nghệ An bắt đầu được khởi động… 
Gấp cuốn sách vào rồi lại mở ra, xem những chỗ mình đánh dấu, suy ngẫm thêm, tôi càng thấy khâm phục một con người ở tuổi 80 mà tư duy vẫn năng động, tìm tòi cách tiếp cận mới, phương pháp mới trong việc nghiên cứu lịch sử, để đem lại nhận thức mới cho người đời khi nhìn nhận những vấn đề lịch sử tưởng như đã định hình trong trong tư duy xơ cứng của nhiều người Việt qua nhiều thế hệ. Hơn nữa còn đặt cơ sở định hướng, “gợi mở một hướng nghiên cứu mới”…cho không chỉ khoa học Lịch sử. 
08/12/2011




© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 12.12.2011 theo nguyên bản của tác giả gởi từ HàNội .
. ĐĂNG TẢI LẠI VUI LÒNG GHI RÕ NGUỒN : NEWVIETART.COM .

Không có nhận xét nào: